Nữ tiến sĩ hóa thần tượng của bà nội trợ: “Chị em mua sắm cũng gọi điện cho tôi”

Với kinh nghiệm 3 năm làm trong tập đoàn thép ArcelorMittal (Tây Ban Nha) và có 17 bằng sáng chế, TS Vũ Thị Tần đơn giản kiến thức hóa học của mình để chia sẻ nhiều mẹo vặt trong gia đình khiến các bà nội trợ thích mê.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, Thanh Niên trò chuyện với TS Vũ Thị Tần – Giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội – người được xem là “idol” của các bà nội trợ vì thường chia sẻ những mẹo hay trong cuộc sống trên trang Facebook cá nhân Tần Vũ.

Một điều đặc biệt hơn, nữ TS luôn tự hào bản thân được khơi niềm đam mê học môn hóa từ căn bếp nghèo của mẹ. Rời hãng thép hàng đầu thế giới sau 3 năm làm việc, chị về nước, gắn bó với gian bếp của hàng triệu gia đình Việt.

“Có người mẹ chỉ quen trên MXH gọi điện cho tôi nhờ tư vấn cách an toàn để làm sạch bộ sofa vì con nhỏ nghịch bẩn. Có chị gái khi đang đi mua sắm cũng gọi hỏi ý kiến tôi về mấy loại hộp nhựa, hộp thủy tinh muốn mua. Hay có chị hỏi tôi cách chiên cá như thế nào để không dính trong chảo inox… Nếu có thời gian, tôi sẵn lòng chia sẻ ngay”, nữ TS chia sẻ.

Table of Contents

* Năm 2024, chị giới thiệu về TS Vũ Thị Tần như thế nào?

Hiện tại, tôi là giảng viên chuyên ngành Công nghệ vô cơ và Dinh dưỡng cây trồng, ĐH Bách KhoaHà Nội. Tôi chuyên dạy về vật liệu vô cơ, màng phủ vô cơ, công nghệ soda và các hợp chất kiềm. Ngoài ra, tôi còn giảng dạy môn kỹ năng mềm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên. Song song với công việc giảng dạy, tôi là Co – Founder thương hiệu tẩy rửa xanh T – Clean. Nhận thấy nhiều người có thói quen sử dụng đồ dùng chưa đúng cánh, nên tôi thường chia sẻ những kiến thức biết được cho mọi người trên MXH.

*Chị nghĩ gì khi mọi người đặt cho chị biệt danh “TS hóa của các bà nội trợ”? Một việc tự nhận, không thù lao nhưng được cộng đồng yêu mến, chị có cảm giác thế nào?

Tôi thực sự rất vui vì được mọi người đặt niềm tin. Hàng ngày, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi về cách chọn đồ dùng trong gia đình, cách sử dụng đúng cách các món đồ với vật liệu khác nhau. Đôi khi tôi trong giờ dạy, hoặc trong cuộc họp, không thể trả lời ngay, mong các chị thông cảm.

*Phải chăng nhờ vào lượng kiến thức dồi dào và sự thú vị của môn hóa đã khiến nhữngmẹo vặtcủa chị trên MXH trở nên khác biệt so với bất cứ đâu “trên Google”?

Kiến thức trên Google cũng giống như chat GPT, cần có sự chọn lọc. Kiến thức mình đưa ra trong các bài viết đều dựa trên kiến thức đã được hệ thống mà mình thu lượm được từ những năm tháng học ĐH ở Nga và làm luận án tiến sĩ ở Tây Ban Nha. Đặc biệt, là những năm tháng làm việc cho hãng thép ArcelorMittal và giảng dạy tại ĐH Bách Khoa Hà Nội.

*Giữa muôn trùng những sản phẩm giá rẻ kém chất lượng trên thị trường… chị có lời khuyên nào cho các bànội trợ?

Ngoài công việc giảng dạy ở trường, tôi còn là Co – Founder của T – Clean. Trực tiếp quản lý một công ty sản xuất, tôi thấy rằng đã giá rẻ thì hàng thường kém chất lượng, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng giá rẻ thì nguồn nguyên liệu sẽ rất dễ có những tạp chất có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Cá nhân tôi thường lựa chọn những hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả phải chăng, không ham rẻ. Kiểu như 10 bịch giấy rút (200 tờ/bịch) mà chỉ có giá 100.000 đồng, tính ra có 10.000 đồng/một bịch giấy… Giấy đảm bảo an toàn cho người sử dụng trải qua nhiều công đoạn sản xuất: nguồn bột giấy, tẩy trắng, phụ gia… Giấy sản xuất từ bột giấy sẽ khác với giấy tái chế, vì giấy tái chế cần trải qua nhiều công đoạn xử lý tái chế, tẩy trắng…

Nếu các công đoạn trên không được xử lý đúng quy trình, giấy đến tay người tiêu dùng có thể còn tồn dư nhiều loại hóa chất trong quá trình sản xuất. Vì vậy tôi không lựa chọn mua giấy giá quá rẻ với nhiều câu chào mời như: “hàng trợ giá”…

*Trong tương lai, chị có ý định đưa những chia sẻ của mình lên một kênh nào đó chính thống hơn Facebook không?

Hiện tại tôi đang hợp tác phi lợi nhuận với Doctor Network, một kênh chính thống của MCV với mục đích chia sẻ kiến thức cho cộng đồng.

*Tại sao chị khởi nghiệp, tại sao lại là sản phẩm hữu cơ và là sản phẩm về tẩy rửa?

Theo thống kê, trong số 8588 chất hóa học được sử dụng thì chỉ có khoảng 7 – 10% sản phẩm an toàn với sức khỏe. Rất nhiều các sản phẩm tẩy rửa ở Việt Nam chứa hóa chất tẩy mạnh, không tốt cho người dùng. Mình nhận thấy rằng việc sử dụng các sản phẩm tẩy rửa an toàn là điều rất cần thiết. Các sản phẩm tẩy rửa nên sử dụng các thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe người dùng và an toàn cho đồ vật.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho tập đoàn thép ArcelorMittal, giảng dạy về vật liệu và một số hợp chất tẩy rửa ở ĐH Bách Khoa Hà Nội, tôi đã nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm tẩy rửa an toàn mang thương hiệu T-Clean. Các sản phẩm T-Clean mang sứ mệnh là trợ thủ đắc lực của các bà, các mẹ, thậm chí các anh trongviệc làmsạch nhà tắm và gian bếp của mọi người.

*Là một người phụ nữ có gia đình, vừa làm nghiên cứu, giảng dạy, vừa khởi nghiệp và còn dành thời gian chia sẻ kiến thức đến cộng đồng, với chị có là một “gánh nặng”?

Thực ra chia sẻ trên MXH những kiến thức của bản thân không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ hay tìm tòi. Ngược lại, tôi thấy rất vui vì được mọi người tin tưởng. Có khi mọi người nhắn tin, bình luận hỏi, tôi cố gắng giải thích, hướng dẫn những cách làm đơn giản nhưng hiệu quả bằng những sản phẩm có sẵn trên thị trường.

Cũng có khi là bản thân tôi bắt gặp các hiện tượng trong đời sống nên chia sẻ luôn, chỉ mất vài phút. Ví dụ, khi nấu bữa sáng, tôi thấy miếng thịt bò có màu 7 sắc cầu vồng. Nếu không biết, mọi người sẽ nghĩ miếng thịt có vấn đề, ngại không dám ăn, tuy nhiên không phải. Đó là miếng thịt ngon, giàu sắt, các vi chất có sắc tố. Do sắt, mỡ và độ ẩm có trên thịt bò tạo nên hiện tượng khúc xạ ánh sáng, tia sáng bị bẻ cong, thêm sắc tố nên tạo thành dải màu cầu vồng.

*Chị có thể chia sẻ đôi điều về hành trình chinh phục kiến thức hóa học của mình và duyên trở về với những chia sẻ giản đơn trong căn bếp của người Việt?

Tôi xuất thân trong gia đình nghèo ởHà Nam. Bố tôi đi làm xa, mẹ tôi nấu rượu gánh đi bán rong trong xã. Tôi hứng thú với môn hóa học từ việc giúp mẹ trộn men vào cơm để nấu thành rượu. Có thể nói, tôi yêu hóa học từ gian bếp của mẹ. Tôi thi đậu khoa Hóa học trường ĐH Bách Khoa Hà Nội rồi nhận học bổng toàn phần ở Nga, sau đó tiếp tục lấy bằng tiến sĩ loại xuất sắc ở Tây Ban Nha.

Trước khi về Việt Nam, tôi có 3 năm làm việc trong tập đoàn ArcelorMittal ở Tây Ban Nha với 17 sáng chế liên quan về lĩnh vực vật liệu, xử lý bề mặt. Tôi bắt đầu từ gian bếp nghèo của mẹ và giờ lại gắn bó với gian bếp của các gia đình. Đơn giản vì, hóa học giải thích nhiều hiện tượng trong cuộc sống.

*Chị có bài học hoặc chia sẻ nào cho mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ từ chính câu chuyện của bản thân, với hành trình “đi để trở về” của mình?

Bài học của tôi có thể không áp dụng được cho các chị em khác. Nhưng tôi thấy cứ cố gắng hết mình trong những mục tiêu mình đặt ra, cho dù kết quả có không được như ý muốn. Dành thời gian cho gia đình và vui vẻ với những gì mình có được ở hiện tại thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Nguồn: thanhnien.vn

//thanhnien.vn/nu-tien-si-hoa-than-tuong-cua-ba-noi-tro-chi-em-mua-sam-cung-goi-dien-cho-toi-185241018165629236.htm?fbclid=IwY2xjawGB4TdleHRuA2FlbQIxMQABHaQNgiDeGFGV_k_-gUKjb30RZqkyH7EQL0TiwRWHv35RiMSP_OB_CIQkTw_aem_dKhusNsLRj8slVAsznb-qQ

Để lại một bình luận

HotlineZaloFacebook